Một mét khối bê tông thường có trọng lượng trên dưới 2.400kg, một mét khối gạch đỏ truyền thống khoảng 1.800kg. Với bê tông nhẹ có 75% thể tích bọt thì trọng lượng một mét khối dao động từ 400 đến 800kg tùy theo công nghệ. Để dễ so sánh, một mét khối giấy khoảng 720kg. Với kết cấu bên trong gồm vô số các lỗ bọt khí nhỏ li ti liên kết với nhau tạo thành một cấu trúc tinh thể bền vững. Do thể tích khí cao nên khối bê tông bọt có thể thả trong nước và nổi đến vài ngày liên tục.

Hiện thời có 2 dạng công nghệ bê tông bọt để làm gạch xây dựng trên thị trường: AAC và CLC.

  • AAC (Autoclaved Aerated Concrete): Là loại gạch bê tông bọt được sản xuất với công nghệ lò khí chưng áp để rút ngắn thời gian “chín” của bê tông xuống còn 8-12h so với 28 ngày với bê tông thông thường. Ưu điểm là vậy nhưng công nghệ này đòi hỏi dây chuyền sản xuất và mức đầu tư rất lớn. Quy trình kiểm soát và chứng chỉ chất lượng của sản phẩm cũng rất nghiêm ngặt.
  • CLC (Cellular Lightweight Concrete): Cũng là gạch bê tông bọt nhưng qui trình sản xuất thủ công, không qua công nghệ chưng áp nên thời gian ninh kết vẫn phải chờ 28 ngày hoặc được rút ngắn lại bằng phụ gia thích hợp.

Ưu điểm của CLC là giá thành rẻ hơn AAC. Về khả năng chịu lực (tùy công nghệ) cũng nhỉnh hơn AAC. Foam concrete, non- autoclaved aerated concrete hay aircrete… có thể hiểu chung là CLC. Tùy theo thị trường, tiêu chuẩn chất lượng mỗi nước mà có nhiều loại AAC và CLC. Tuy nhiên, xét về công nghệ sản xuất thì AAC là AAC, còn CLC là CLC. Cách thức phân biệt cũng khá dễ. AAC do sản xuất bằng dây chuyền hiện đại nên có ngoại hình trơn mượt hơn và quan trọng; có nhãn mác và các số liệu kiểm định rõ ràng.